Câu hỏi lớn nhất để thích ứng với sự bùng nổ của internet và mạng xã hội là am hiểu văn hóa địa phương.
Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Internet Việt Nam (VINNIC), hiện Việt Nam có đến 31 triệu người sử dụng internet, chiếm 35,4% dân số. Internet ngày càng có tác động lớn đến khả năng tiếp cận thông tin và hành vi tiêu dùng, nhất là với giới trẻ.
Xu hướng này đang thay đổi toàn diện các chiến lược kinh doanh của DN, đòi hỏi các DN phải bắt kịp những thay đổi mà mạng xã hội, internet di động… đang tạo ra.
Những mạng xã hội như Facebook hay Foursquare có một sức ảnh hưởng lâu dài đối với quyết định của người tiêu dùng; hay tạo ra những cuộc cánh mạng trong lĩnh vực bán lẻ với không gian ảo… Ngược lại, trong thế giới của mạng xã hội, quyền lực của người tiêu dùng đối với các thương hiệu ngày càng lớn.
Còn nhớ cách đây vài tháng, CEO Tim Cook đã phải đích thân xin lỗi người tiêu dùng Trung Quốc để xoa dịu vụ việc liên quan đến chế độ bảo hành sản phẩm của Tập đoàn Apple ở nước này. Hay Starbucks đã phải cúi đầu nhận lỗi khi cửa hàng của họ tại Hồng Kông bị phát hiện lấy nước từ nhà vệ sinh đã pha cà phê.
Sự bùng nổ của internet, di động, mạng xã hội cũng đang giúp cho digital marketing đứng trước một điểm bùng nổ khác, mở ra cơ hội rất lớn để cho các thương hiệu kết nối chặt chẽ và sâu sắc hơn với người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, khi nhắc tới lợi thế "toàn cầu hóa", ít người quan tâm tới những thách thức "đa văn hóa" mà một chiến dịch digital marketing sẽ gặp phải.
Làm sao cà phê hay những món ăn nhanh của Mỹ như Starbucks, McDonalds có thể thành công ở thị trường chỉ quen uống trà như Trung Quốc? Làm sao những thương hiệu thời trang như Gucci, Burberry có thể làm quen với giới trẻ Ấn Độ? Làm sao để các thương hiệu này vừa địa phương hóa vừa duy trì cốt lõi của thương hiệu? Đó hoàn toàn là những câu hỏi về văn hóa.
Riverorchid Digital rút ra bài học này khi thực hiện dự án quảng bá, tiếp thị của cho hệ thống siêu thị City Mart tại Myanmar, đất nước có tốc độ phát triển công nghệ thông tin kỹ thuật số chậm so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Dương: chỉ 1% dân số biết sử dụng internet và 700 tài khoản Facebook.
Hầu hết các số liệu khảo sát, điều tra về thị trường đều bằng không khiến việc lựa chọn các công cụ tiếp thị và lập kế hoạch trở thành bài toán khó. Dự án chỉ được triển khai và có kết quả khi bổ sung các thành viên bản địa với kiến thức sâu sắc và am hiểu thị trường địa phương.
Đó cũng chính là lý do dự án truyền thông kỹ thuật số "Indochina Project" được triển khai nhằm tôn vinh những nét đặc sắc về văn hóa, con người, cuộc sống của các nước trong khu vực Đông Dương.
Dự án kêu gọi mọi người đang sống ở khu vực có thể gửi một bức ảnh, đoạn phim ngắn, ca khúc, câu chuyện… hoặc dưới bất kỳ hình thức thể hiện kỹ thuật số nào có thể gây được ấn tượng mạnh mẽ để từ đó, chọn trình diễn trên một bức tường ghép từ hàng loạt màn hình tivi LED cỡ lớn trong cuộc triển lãm không gian mở.
Đây là cách để chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về văn hóa địa phương để có thể có được những chiến lược tốt nhất cho việc thực hiện digital marketing trên những lãnh thổ này.
(Nguồn
0 nhận xét :
Đăng nhận xét