Cách
đây gần 100 năm, Anna Jarvis đã vận động chính phủ Hoa Kỳ thành lập một
ngày lễ để tri ân những người mẹ. Để cổ động cho việc này bà đã viết
bài đăng báo, thuyết trình tại các nhà thờ, gởi thư cho các viên chức
chính phủ.
Nguồn gốc Lễ Mother’s Day
Trước tấm lòng và sự kiên trì của bà,
ngày 8 tháng 5 năm 1914, Tổng Thống Woodrow Wilson đã ban hành một sắc
lệnh chọn ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm làm ngày Mother’s Day.
Kể từ đó, hằng năm không phải chỉ tại Hoa Kỳ mà hàng tỷ người tại hơn
65 quốc gia trên thế giới đã chọn ngày này để tôn kính người mẹ. Hơn
một chục quốc gia khác cũng chọn một ngày khác trong tháng Năm để tri
ân mẫu thân.
Nguồn gốc
Ann Maria Reeves Jarvis, mẹ của Anna
Jarvis, là một phụ nữ đáng kính. Bà là nguồn động lực khiến cho con
gái của bà là Anna Jarvis đã vận động để thiết lập ngày Mother’s Day.
Cuộc đời của Ann Maria Reeves Jarvis đánh dấu bằng những chuỗi ngày
yêu thương chồng con, góp phần cho Hội Thánh, và tận tụy với công tác
xã hội. Ann Maria Reeves sinh ngày 30/9/1832 tại Culpeper, Virginia,
Mỹ. Bà là con gái của Mục sư Josiah W. Reeves và bà Nancy Kemper
Reeves. Năm 1850, sau khi cha của bà được thuyên chuyển đến làm mục sư
cho Hội Thánh Tin Lành Giám Lý tại Philippi thuộc Barbour County,
West Virginia, Ann đã lập gia đình với Granville Jarvis, con trai của
một mục sư Baptist tại thị trấn này. Theo gương của hai người cha,
Granville Jarvis cũng trở thành mục sư và hầu việc Chúa trong Hội Thánh
Tin Lành Giám Lý.
Ann Maria Reeves Jarvis đã giúp chồng
rất nhiều trong những năm tháng chồng bà phục vụ Chúa. Bà làm giáo
viên Trường Chúa Nhật dạy các em thiếu nhi suốt 25 năm. Bà đã hổ trợ
cho chồng trong việc xây dựng nhà thờ cho Hội Thánh Andrews Methodist
Church tại Grafton, West Virginia (1873). Ann sinh cho chồng 12 người
con. Do hoàn cảnh y tế vệ sinh trong thế kỷ 19, bốn người con mất từ
những ngày thơ ấu, bốn đứa khác chết khi chưa đến tuổi trưởng thành.
Từ những kinh nghiệm đau thương mất mát
trong gia đình, Ann Maria Reeves Jarvis không muốn thấy cảnh tang tóc
xảy ra trong những gia đình khác. Vấn đề thiếu y tế và vệ sinh là
nguyên nhân khiến nhiều trẻ em bị mất sớm vào lúc đó. Khi theo chồng
thuyên chuyển từ nơi này sang nơi khác để phục vụ Chúa, bà đã thành lập
Câu Lạc Bộ Các Bà Mẹ tại các thành phố Webster, Grafton, Fetterman,
Pruntytown và Philippi nhằm cải thiện những điều kiện vệ sinh và sức
khỏe trong các gia đình. Các câu lạc bộ này gây quỹ mua thuốc giúp
người nghèo, kiểm soát thực phẩm và sữa mà các tiệm tạp hóa bán cho
người dân, mướn người giúp con cái các bà mẹ bị bệnh lao.
Khi cuộc nội chiến Hoa Kỳ xảy ra, Ann
Maria Reeves Jarvis kêu gọi Câu Lạc Bộ Các Bà Mẹ đứng trung lập về mặt
chính trị. Họ cứu chữa thương binh cả hai bên. Bà cũng kêu gọi các
cộng đồng giữ sự hiệp nhất giữa những khác biệt chính trị trong thời
nội chiến. Ann Maria Reeves Jarvis vận động thành lập “Mother’s Friendship Day” –
ngày tương thân của các bà mẹ – với mục đích tạo sự hiệp nhất giữa
những gia đình đã chia rẽ vì những khác biệt đã xảy ra trong chiến
tranh.
Ann Maria Reeves Jarvis ước mong cơ hội
thân hữu này sẽ được tổ chức hằng năm và sẽ là dịp để tưởng nhớ các bà
mẹ. Tuy nhiên, những cố gắng đó của bà không thành, Ann Maria Reeves
Jarvis về với Chúa vào ngày 9/5/1905 tại Bala-Cynwyd, Philadelphia.
Vận động thành lập Lễ Mother’s Day
Cũng trong khoảng thời gian đó tại New York (1872), Julia Ward Howe, tác giả của bản thánh ca The Battle Hymn of the Republic, công bố Mother’s Day Proclamation. Dưới sự vận động của Julia Ward Howe, Mother’s Day được tổ chức tại Boston được khoảng 10 năm rồi ngưng.
Anna Marie Jarvis, con gái của Ann Maria
Reeves Jarvis, là người rất gắn bó với mẹ mình. Sau khi Ann Maria
Reeves Jarvis mất, Anna Jarvis tiếp tục vận động để thành lập ngày
Mother’s Day theo ước nguyện của mẹ.
Ngày 12/5/1907, Anna Jarvis cùng những
người thân từ Philadelphia trở về Andrews Methodist Church tại Grafton,
West Virginia, là hội thánh nơi cha bà từng làm mục sư, mẹ bà đã dạy
Trường Chúa Nhật, để tưởng niệm người mẹ là bà Ann Maria Reeves Jarvis.
Anna Jarvis trình bày với hội thánh,
nơi cha mẹ bà đã gây dựng nhà thờ, ước nguyện của mẹ mình về việc
thành lập Mother’s Day. Với sự ủng hộ các bà mẹ trong các hội thánh và
sự giúp đỡ của John Wanamaker, cựu Tổng Giám Đốc Bưu Điện Hoa Kỳ, ý
nguyện về việc thành lập ngày tưởng nhớ và tri ân các bà mẹ được loan
truyền. Sau đó, Anna Marie Jarvis tiếp tục vận động bằng nhiều cách để
ngày tri ân các bà mẹ được trở thành ngày lễ chính thức.
Tháng Năm năm 1908, một lễ kỷ niệm
Mother’s Day chính thức được tổ chức tại nhà thờ Andrews Methodist
Church. Sau đó, một buổi lễ mở rộng cho công chúng được tổ chức tại
Wanamaker Auditorium tại Philadelphia. Năm 1909, lễ Mother’s Day được
tổ chức tại New York. Năm 1910, Tiểu bang West Virginia chính thức
công nhận lễ Mother’s Day. Sau đó, các tiểu bang khác lần lượt công
nhận ngày lễ này. Ngày 8/5/1914, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một đạo
luật công bố Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm là ngày Mother’s Day. Từ
đó, Mother’s Day trở thành ngày lễ chính thức trên toàn nước Mỹ.
Hoa trong Ngày Lễ
Trong lần trở về Andrews Methodist
Church tại Grafton, West Virginia vào năm 1907, Anna Jarvis và mỗi
thân nhân đến dự lễ đều đeo một đóa cẩm chướng màu trắng, loài hoa mà
bà Ann Maria Reeves Jarvis ưa thích. Từ đó, vào dịp lễ Hiền Mẫu, những
người có mẹ đã qua đời thường mang hoa cẩm chướng màu trắng. Những
người có mẹ còn sống mang hoa cẩm chướng màu đỏ sậm.
Hoa cẩm chướng (carnation), loài hoa mà bà Ann Maria Reeves Jarvis ưa thích, có tên khoa học là dianthus caryophyllus. Chữ dianthus trong
tiếng La Tinh có nghĩa là hoa của tình yêu. Như nhiều loài hoa khác,
màu hoa cẩm chướng mang những ý nghĩa khác nhau. Cẩm chướng đỏ nhạt
biểu tượng cho lòng cảm phục. Cẩm chướng đỏ sậm thể hiện tình yêu sâu
đậm. Cẩm chướng trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, ngọt ngào và nhẫn
nại. Cẩm chướng hồng bày tỏ lòng tri ân. Người Việt chúng ta biết
tình yêu của mẹ rộng lớn vô cùng. Nhạc sĩ Y Vân đã so sánh lòng mẹ bao
la như Thái Bình Dương. Với nhận thức đó, nhiều người đã tặng cho mẹ
mình một bó cẩm chướng đủ màu với dụng ý gói trọn tất cả những tình cảm
sâu đậm nói trên cho mẹ. Thánh Kinh cho biết: Hiếm khi có phụ nữ nào
quên cho con mình bú hay không yêu thương con ruột của mình. Trong ánh
sáng của Thánh Kinh, vào dịp lễ Mother’s Day, mong bạn biết rằng ngoài
người mẹ yêu dấu của bạn, có một người khác yêu bạn vô cùng.
Nguồn gốc Father’s Day
Tháng 5 năm 1910, hai năm sau ngày
Mother’s Day đầu tiên được tổ chức tại West Virginia, Mỹ, khi ngồi
trong băng ghế nhà thờ tại Spokane, Washington dự lễ Mother’s Day, bà
Sonora Smart Dodd nghe nhắc đến công ơn của người mẹ, chợt nhớ đến phụ
thân của mình. Sorona mồ côi mẹ nên ký ức của người cha trong lòng
Sorona thật khó phai. Cha của Soroma là cụ William Jackson Smart. Ông
vốn là một cựu chiến binh trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Từ giã chiến
trường trở về, William Jackson Smart buông tay súng nắm tay cày làm
lụng vất vả để nuôi sống gia đình. Chẳng may vợ ông mất khi sanh đứa
con út. Trong cảnh đơn chiếc, ông kiên trì làm lụng vất vả trong một
trang trại nhỏ thuộc miền Đông của tiểu bang Washington để nuôi sáu đứa
con – năm trai, một gái – thành người.
Khi mẹ mất, Sorona Smart Dodd, là con
gái đầu lòng, đã giúp cha nuôi các em. Nhớ lại tình thương của cha,
Sorona Smart Dodd chợt liên tưởng đến bao nhiêu người cha khác khắp nơi
đã hy sinh cuộc đời cho con cái. Sorona quyết định kêu gọi thành lập
một ngày để tưởng nhớ công ơn người cha.
Đề nghị tổ chức ngày Father’s Day của bà
Sonora Smart Dodd được hưởng ứng nhanh chóng. Những người ủng hộ mạnh
mẽ nhất ý kiến này là các mục sư trong Mục Sư Đoàn và cơ quan Young
Men’s Christian Association (YMCA) tại Spokane.
Bà Sonora Smart Dodd đề nghị tổ chức
ngày Father’s Day vào ngày 5 tháng 6 năm đó để kỷ niệm sinh nhật của cụ
William Jackson Smart. Tuy nhiên do thời gian chuẩn bị quá ngắn, chỉ
có ba tuần lễ, cho nên mục sư quản nhiệm tại Hội Thánh của bà Sonora
Smart Dodd đề nghị dời thêm hai tuần nữa. Các mục sư cần thời gian để
chuẩn bị bài giảng cho một ngày lễ mới như vậy; đồng thời để đủ thời giờ
thông báo cho các Hội Thánh khác cùng tổ chức. Ngày Father’s Day đầu
tiên được tổ chức vào ngày 19/6/1910.
Trong thời gian ấy, dư âm việc vận động
thành lập ngày Mother’s Day của bà Anna Jarvis vẫn còn nóng hổi
(1908). Bên cạnh đó, tháng 7 năm 1908, Grace Golden Clayton, một tín
hữu Tin Lành Giám Lý tại Fairmont, West Virginia, đã yêu cầu William
Memorial Methodist Espiscopal Church tổ chức lễ tưởng niệm cho 210
người cha đã chết trong một tai nạn tại mỏ than vài tháng trước đó. Do
đó báo chí toàn quốc khi nghe tin các hội thánh tại thành phố Spokane
dự định tổ chức lễ Father’s Day, tin tức được lan truyền thật nhanh.
Khắp Hoa Kỳ từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, dân chúng đồng lòng
hưởng ứng. Một trong những người mạnh mẽ ủng hộ ý kiến của bà Sonora
Smart Dodd về việc quốc gia nên dành một ngày để tưởng nhớ công ơn
người cha là chính trị gia William Jenning Bryan. Ông cũng là người đã
ủng hộ việc thành lập ngày Mother’s Day. William Jenning Bryan đã
viết thư cho bà Sonora Smart Dodd nói rằng:“Tình cha con thật sâu đậm, nồng nàn không nên để lãng quên.”
Tuy nhiên, việc Father’s Day trở thành
quốc lễ tại Hoa Kỳ gặp nhiêu khê hơn so với việc thành lập Mother’s
Day. Lý do thật đơn giản: Tất cả thành viên tại Lưỡng Viện Quốc Hội
Hoa Kỳ khi ấy đều là nam giới; do đó, các ông nghĩ rằng thông qua một
đạo luật để tri ân phái nam thì tự mình tâng bốc mình. Vì thế, dầu
cho Mother’s Day được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua và Tổng Thống Woodrow
Wilson ký duyệt vào năm 1914, dự luật về ngày Father’s Day không được
thông qua. Có lẽ Quốc Hội Hoa Kỳ dè dặt khi nhớ lại câu chỉ trích của
Dân Biểu Simon Legree khi tranh luận về ngày Mother’s Day: “Không chừng rồi đây sẽ có ngày Father’s Day, Mother-in-Law’s Day hoặc Uncle’s Day nữa.” Dù Quốc Hội không thông qua, khắp nơi tại Hoa Kỳ, người dân vẫn tưởng niệm ngày Father’s Day.
Năm 1916, Tổng Thống Woodrow Wilson
chính thức tham dự Father’s Day. Năm 1924, Tổng Thống Calvin Coolidge
gợi ý rằng nếu ngành lập pháp Hoa Kỳ muốn dành một ngày để tri ân người
cha, Tổng Thống sẽ thông qua. Tổng Thống Calvin Coolidge đã viết thư
cho Thống Đốc các tiểu bang như sau: “Việc tưởng niệm rộng rãi ngày
lễ này trong những năm qua đã chứng minh cho tình cảm mật thiết giữa
cha và con. Ý nghĩa ngày lễ thật tốt đẹp vì nó cũng là dịp nhắc nhở
người cha bổn phận của mình đối với con cái.” Dầu có những gợi ý tích cực từ phía hành pháp, giới lập pháp Hoa Kỳ vẫn phớt lờ đề nghị trên.
Trong suốt nửa thế kỷ tiếp theo, nhiều người đã ráng hết sức để vận động cho Father’s Day trở thành quốc lễ. Một trong những người có nỗ lực đáng kể là Nữ Thượng Nghị Sĩ Margaret Chase Smith. Năm 1957, bà đã viết cho những đồng viện của mình rằng: “Hoặc là chúng ta tri ân cả hai bậc sinh thành: cha và mẹ, hoặc chúng ta chấm dứt đãi ngộ có một bên. Chỉ tri ân một trong hai bậc sinh thành của chúng ta và bỏ quên người kia là một điều sỉ nhục không tưởng tượng nỗi.”Mặc dù đã có phụ nữ can thiệp, và bằng những lời mạnh mẽ như vậy, nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ chẳng chuyển lay.
Năm 1966, dự luật về Father’s Day một
lần nữa lại được đề nghị. Mãi 6 năm sau, Quốc Hội Hoa Kỳ mới chịu
thông qua. Năm 1972, Tổng Thống Richard Nixon nhanh chóng ký duyệt đạo
luật và công bố Father’s Day trở thành một quốc lễ tại Hoa Kỳ. Hằng
năm quốc gia Hoa Kỳ tưởng niệm Father’s Day vào Chúa Nhật thứ ba của
tháng Sáu.
Sau 62 năm kiên trì, dân chúng Hoa Kỳ
đã thở phào nhẹ nhõm vì giờ đây hai đấng sinh thành đã được chính phủ
coi trọng như nhau. Mỗi năm có hơn 85 triệu cánh thiệp được bán ra
trong dịp tri ân người cha.
Trở lại với câu nói của Dân Biểu Simon
Legree, năm 1981 Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua đạo luật Mother-in-Law’s
Day. Dự luật này chọn Chúa Nhật thứ tư của tháng Mười để cảm ơn mẹ
chồng hay mẹ vợ. Tuy nhiên, dự luật Mother-in-Law’s Day đã bị Thượng
Viện Hoa Kỳ bác bỏ với lý do thật đơn giản. Mẹ và cha ai cũng có,
nhưng đâu phải ai cũng có mẹ chồng hay mẹ vợ. Dành một ngày để tưởng
niệm những vị này sẽ gây ấn tượng không tốt, và bất công, cho những
người sống độc thân.
Dầu có lý luận hợp lý như vậy, nhiều người vẫn nghĩ rằng Quốc Hội Hoa Kỳ phủ quyết đạo luật Mother-in-Law’s Day vì “hội chứng Simon Legree” vẫn
chưa phai. Cho đến ngày nay, chưa có vị dân cử nào có ý định bảo trợ
dự luật này trở lại. Dầu có thành luật hay không, giới kinh doanh Hoa
Kỳ vẫn cổ xướng đề nghị này. Mỗi năm hơn một triệu cánh thiệp được gởi
ra trong ngày lễ đó.
Thanh Long.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét